Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Mùa thi xa lắm..



Tình cờ một chiều ngồi trước cổng trường đại học thuở nào. Hình ảnh tà áo trắng cứ mênh mang trước mắt. Những buồn vui đọng trên khuôn mặt của các sĩ tử. Những đôi mắt chưa kịp lên màu khói. Khói lam của cuộc tình hoặc khói đen của cuộc đời. Chợt bồi hồi tưởng như ta lại trở về cái tuổi ngây thơ. Bước chân tấp tểnh nơi Hà thành muôn hồng ngàn tía.



Lời bài hát cũ cứ văng vẳng đâu đây. "Tháng sáu mùa thi, con đường học trò anh đưa em đi. Trong nét nghĩ chín dần bao dự định, ngọn đèn đêm thao thức suốt canh thâu". Cô bé ngày xưa biết giờ nơi đâu. Có còn nhớ một thời cắp sách? Hay cuộc sống mưu sinh và những vất vả chồng con đã làm phai đi sắc đỏ của cánh phượng năm nào? "Mùa thi ơi, mùa thi ơi. Anh hiểu lắm cái nhíu mày chân thật. Những nghĩ suy khiến con người chợt lớn. Em bắt đầu nơi anh đi qua..."

Xa lắm rồi ơi những mùa thi
Ta đã qua khoảng thời gian đẹp nhất
Những ước mơ tưởng chừng như rất thật
Đã ngủ quên bên vũng nước cuộc đời

Xa lắm rồi áo trắng của tôi ơi!
Đời nhuộm đen cả màu hồng trong mắt
Rẽ về đâu dòng đời muôn lối ngoặt
Đứng bâng khuâng ở giữa ngã tư đường

Rồi ngày sau nơi thế sự vô thường
Lướt vội qua một đôi tà áo trắng
Chợt nhận ra lòng mình không phẳng lặng
Khi chạnh buồn nhớ lắm một mùa thi..

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Chuyện kể lúc nửa đêm hay mối quan hệ biện chứng giữa bệnh mất ngủ và con gà trống thiến..

Quý anh chị nào chưa rõ về gia cảnh nhà tôi xin mời đọc một bài note mà sắp tới tôi sẽ cop lên đây (trước đăng chỗ khác  =))  ). Xin túm lại một câu ngắn gọn là hồi xưa nhà tôi NGHÈO vcđ ra.


                                      ( nhà tôi ngày xưa, nền nhà thả dép đi chân đất mát thôi rồi luôn =))  )

*Trong lúc xem tôi lảm nhảm thì quý anh chị có thể mở "diu tụp" lên và nghe bài này cho nó hòa chung bầu không khí :


Sau những chuyến đi buôn thất bại và quán xá phá sản vì ông con chuyên bốc trộm lạc rang và mì tôm ăn vã thì các cụ nhà tôi xoay qua kế chăn nuôi tăng gia sản xuất. Nuôi lợn thì chỉ là hình thức gửi tiền tiết kiệm cuối năm có 1 cục tiêu tết chứ lãi lời thật chẳng thấm vào đâu mà lại mùi mè. Các cụ chốt vào khoản nuôi gà.



Trước là thi thoảng có tí trứng đánh cảm cạo gió những khi đau đầu nhức mỏi, sau để mỗi khi giỗ chạp khách khứa có cớ mà sát sinh, sau rốt là bán lấy tiền đong gạo. (Đúng là đong gạo, vì các cụ nhà tôi đi thoát ly cả, chả dc nhà nước chia mảnh ruộng nào. Tới giờ tôi vẫn hậm hực vì chuyện đấy làm tôi không có trâu để mà đi chăn như bao đứa bạn cùng trang lứa).



 Khác với người ta thường nuôi nhiều gà mái rồi úm cho nở để bán con giống thì nhà tôi quay qua nuôi gà trống. Một ông sống thiến tới lúc thu hoạch có thể cho giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi cô gà mái tơ ngọt thịt mềm xương. Lý do là khi cúng giỗ người ta chỉ chuyên gà trống chứ tịnh không chơi gà mái (cái sự trọng nam khinh nữ nó ăn sâu vào máu rồi, tôi đề nghị các bác chuyên hô hào bình đẳng giới hãy thực hiện làm gương ngay từ việc cúng gà mái ).



 Lý do to to hơn tí nữa là ông sống thiến nặng cân hơn, thịt đãi khách hai mâm 1 ông là cũng tạm tươm. Chứ thịt hai ả mái thì nhẽ cái sự hơi phí tiền. (chả có nhẽ thịt 1 rưỡi ). Phải một cái rất phiền của mấy chú trống choai là rất háu gái (giống đực bao giờ chả thế). Mào mới nhu nhú, gáy hãy còn te te mà đã chồm chồm đòi nhảy tất cả các cô mái mơ trong vườn nhà cho tới hàng xóm. Lối sống không lành mạnh như vậy nên chú nào chú nấy gầy xọp, chân cẳng liêu xiêu.

Và ông cha ta đã nghĩ ra một cái phát minh kỳ khôi nhất mà cũng tàn bạo nhất của loài người ấy là thiến. Sau khi mất đi cái quý giá nhất của thằng đàn ông thì mấy chú trống choai đâm ra hiền hẳn. Chỉ lo bới rác tìm sâu ních cho căng diều. Không thèm ghé nửa mắt tới mấy cô em la đà ve vãn xung quanh nữa. Bởi vậy nên các cu cậu rất nhanh lớn.

Độ 1 tháng rưỡi tới hai tháng là có thể xuất chuồng rồi. Ác nỗi là cái của quý của lũ gà lại không nằm ngoài lủng lẳng như bao nhiêu gia súc khác mà tọt hẳn vào ổ bụng. (Kể mà chúng mình.... thì có phải....). Và từ đây cụ ông nhà tôi đã chính thức bước 1 chân vào giới bác sĩ nội khoa. Tôi xin kể sơ qua về cái quá trình lấy mất đời trai của các chú trống choai như sau:



Dụng cụ cần thiết:
                           - lách nứa vót nhọn (hoặc dao nhọn ), kim chỉ, 1 cái bát ăn cơm.
Phương pháp:
                 - tới giờ ngồi hì hục gõ thì tôi mới search google và biết có hai kiểu thiến là thiến móc và thiến lườn. Chứ thời xưa các cụ nhà tôi thì toàn chơi kiểu mổ bụng ông gà một đoạn lọt đủ 2 ngón tay. Sau đó thò tay vào mò mẫm, lúc nào thấy hơi tròn tròn dài dài cỡ ngón trỏ thì dùng nhị dương chỉ kẹp chặt, sau đó kéo phựt một phát rồi lôi ra.




Xong xuôi lấy kim khâu kín chỗ mổ rồi thả gà vào chỗ sạch sẽ, dậy bu thật chặt. Sau 1 ngày nếu ca phẫu thuật thành công thì chú chàng sẽ được thả ra kiếm ăn. Bằng ngược lại thì cụ ông sẽ thành kính phân ưu bằng việc quát tôi phi lên vườn trên hái lá chanh và bữa tối hôm đấy kết thúc với sự hỉ hả của tôi kèm theo đôi mắt ưu tư của hai cụ vì cụt vốn.


Chết nỗi một cái là cụ ông tôi đúng là không có năng khiếu trong vụ xuống đao sinh linh đồ thán này. Nên có khi cụ vừa hứng chí gọi tôi giơ bát ra để bỏ chiến lợi phẩm thì cậu gà choai nằm kẹp dưới chân cụ ngáp ngáp mấy cái rồi trợn mắt nghỉ thở. Hai bố con mới ớ người nhòm vào bát thì thấy nguyên quả mật với nửa buồng gan.



Khi tỉ lệ thành công giảm xuống dưới 50% và cụ cảm thấy mệt mỏi vì phải nói quá nhiều lời chia buồn cùng gia quyến nhà gà thì kế hoạch tăng gia sản xuất nhà tôi chính thức thất bại. Sẽ còn nhiều bão giông phía trước và tôi còn nhiều cái hay ho để kể hầu chuyện quý anh chị. Hà hà.



Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không kể tới cái sản phẩm thừa ra sau khi quá trình phẫu thuật kết thúc.Theo tiếng phổ thông hay hán việt lịch sự chi đó thì là ngọc kê. Còn dân dã nông thôn như chúng tôi quen gọi là xạ gà. (Bởi vậy mỗi khi xem phim Anh hùng xạ điêu thì tôi lại cứ phụt cười, cái lão Quách Tĩnh ngon zai vậy mà phải dùng bi giả ). Xạ gà có thể đem hấp cơm sau đó chấm nước mắm hoặc ướp muối rán vàng. Cách nào cũng ngon cả.



Tới đây tôi lại search gg tiếp, thì mới biết là ngọc kê có tác dụng bồi bổ cho mấy bác vừa yếu vừa thiếu. Giá đắt vãi linh hồn luôn. Người ta chế thành đủ món, nào thì ngọc kê hầm lá hẹ, ngọc kê tần thuốc bắc, xào hoa lý.. Đọc mà thèm nhỏ dãi. Trong ngậm hùi tiếc hận vì nhận ra trước nay mình chén không biết bao nhiêu liều thuốc đắt tiền thì tôi lại lơ mơ lo sợ sau này không kiếm đủ tiền nuôi mớ con đàn cháu đống ( há há ).
Hết cmn chuyện!